Nội dung bài viết
Cá cảnh nước ngọt rất dễ nuôi, thức ăn đơn giản, ít tốn công chăm sóc… Vì thế trào lưu nuôi các loại cá cảnh nước ngọt ngày càng được phổ biến ở nhiều quốc gia trong đó có VIệt Nam. Nếu bạn đang băng khoăn không biết nên chọn loại cá cảnh nước ngọt nào dễ nuôi phổ biến thì hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các loại cá cảnh nước ngọt dễ nuôi phổ biến nhé!
Các loại cá cảnh nước ngọt dễ nuôi phổ biến
Cá Xiêm
Cá Xiêm (tên gọi chung cho một số loài cá thuộc chi Betta chủ yếu là Betta Splendens) là loài cá được thuần dưỡng lâu đời ở Thái Lan sau đó được phân bố ra nhiều quốc gia khác và được lai tạo ra nhiều chủng loại. Đây là dòng cá phổ biến trên thị trường thuộc họ Osphronemidae, có màu sắc sặc sỡ và bộ vây dày hơn, đa dạng kiểu vây hơn dòng hoang dã trước kia. Cá có kích thước nhỏ, cá trưởng thành dài từ 6 – 8 cm, tùy vào chủng loại mà có kích thước khác nhau.
Cá hô hấp trực tiếp từ không khí thông qua một cơ quan phức tạp trên đầu để bổ sung cho nguồn oxy hấp thụ bằng mang ở dưới nước, cá sẽ chết nếu không được tiếp xúc với mặt nước. Cá đực có bản tính hung hãn và sẵn sàng chiến đấu với nhau, với tập tính này nó đã trở thành thú chơi tiêu khiển của con người.
Do bản tính như vậy cá đực thường được nuôi riêng và không cần sục khí bằng máy oxy, cá ưa nước tĩnh và có thể sống ở không gian chật hẹp. Về sinh cản, cá đực và cá cái giao phối với nhau một cách độc đáo được gọi là ép hoặc quấn. Cá đực sẽ làm 1 cái tổ bằng bọt khí và sẽ nhặt trứng của con cá cái đẻ ra và đặt vào tổ bọt khí. Trứng được ấp khoảng 3-4 ngày sẽ nỡ. Thức ăn của loài cá này cũng rất đơn giản, chúng thích ăn cung quăng, trùng chỉ, và thức ăn viên, cá non thì chỉ ăn được luân trùng, bobo…Cá Xiêm rất dễ nuôi và có sức sống mạnh, rất phù hợp cho các bạn bận rộn, ít quan tâm nó một tí cũng không sao. Được đánh giá là dễ nuôi, cá Xiêm thường có sức sống mạnh mẽ nên rất phù hợp cho các bạn bận rộn, ít có thời gian chăm sóc kỹ lưỡng cho nó.
Cá Vàng
Chắc hẳn bạn đã một lần thấy loài cá này trong bể nuôi ở đâu đó. Đây là dòng cá vô cùng phổ biến và được người chơi ưa thích. Được thuần hóa từ loài cá Giếc Phổ (Carassius gibelio) bản địa Châu Á, được nhân giống theo màu lần đầu tại Trung Quốc từ hơn 1000 năm trước, sau này đã được lai tạo và phát triển thành nhiều giống có màu sắc và hình dạng khác xa loài cá Giếc ban đầu. Cá đa dạng nhất về kiểu dáng thân và đuôi, có loại thân dài, có loại thân ngắn, có loại nhiều đuôi (2-3 đuôi).
Màu sắc cũng đã phong phú hơn và thường gặp nhất là màu vàng cam, cam đen, trắng đỏ. Cá khó phân biệt giới tính nên người chơi lâu năm và có kinh nghiệm mới có thể phân biệt giới tính và cho sinh sản. Cá vàng có thể sống từ 6-8 năm trong môi trường nuôi trong bể. Là loài cá hiền nên có thể nuôi ghép với nhiều loài cá khác, thức ăn chủ yếu là thức ăn viên, cá thông minh và thân thiện với chủ nuôi. Trong môi trường bể nuôi có kích thước nhỏ, mật độ cá nhiều thì cần phải chạy máy oxy cho loài cá này.
Cá Hoàng Kiếm
Còn có tên gọi khác là cá đuôi kiếm, cá hồng kim. Cá có tên khoa học là Xiphophorus hellerii Heckel, giống như cá Guppy loài cá này có sức sống cao và rất dễ nuôi cho những bạn mới bắt đầu. Cách phân biệt chúng với loài cá khác là dưới thùy đuôi của con cá đực có một thanh dài như cây kiếm dùng để trang trí và cá thường có màu cam đỏ.
Cá phân bố ở Châu Mỹ và Châu phi và được nhập khẩu vào Việt Nam từ thập niên 50 và nay đã trở nên phổ biến trong nước. Cá trưởng thành có độ dài từ 12-16cm, sinh sản nhanh và dễ sinh sản trong môi trường nuôi thích hợp. Chúng thường được nuôi ở các hồ thủy sinh và nuôi ghép với loài cá khác, cá sống ở mọi tầng nước và có tốc độ nhanh. Thức ăn chủ yếu của cá là giáp sát, trùng chỉ và thức ăn viên.
Cá Huyết Anh Vũ
Hay còn gọi là cá Hồng Két, là loài cá được lai tạo trong họ Cichlidae. Chúng được lai tạo ở Đài Loan năm 1986. Cá huyết anh vũ có cơ thể tròn, lưng cong, đầu vồ về phía trước và có mỏ quặp như mỏ két. Cá thường có màu đỏ rực khi trưởng thành và là sự ưa thích khi người ta có niềm tin rằng nó đem lại may mắn cho người nuôi. Cá có kích thước khoảng 20cm khi trưởng thành, có họ hàng với cá La Hán ngày nay, có thể nói cá La Hán được tạo thành từ sự lai tạo của cá Huyết Anh Vũ. Do là cá lai tạo nên cá Huyết Anh Vũ đực thường bị bất thụ không có khả năng thụ tinh, cá chỉ có khả năng thụ tinh nếu ở dạng thuần chủng hoặc tạp giao gần.
Cá huyết anh vũ thường được nuôi chung với cá rồng, cá khá dữ và không nên nuôi chung với cá nhỏ vừa miệng vì chúng có thể nuốt chửng khi đói. Cá thường ăn trùng chỉ, tép bò, thức ăn viên và thức ăn đông lạnh. Nếu nuôi ít vài con trong bể kính thì không cần phải chạy sục khí, cá ưa sạch nên người nuôi đảm bảo nước trong bể không quá bẩn, có thể trang bị bộ lọc nước sẽ tốt hơn. Trong bể nên có cây thủy sinh hoặc đá, gỗ để cá ẩn nấp. Cá thường được người nuôi trang trí bằng những hình xăm thú vị.
Cá Tai Tượng Da Beo – Tai Tượng Châu Phi
Cá Tai Tượng Da Beo – Tai Tượng Châu Phi có tên khoa học là Astronotus ocellatus. Đây là loại cá dữ có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được phân bố ra nhiều quốc gia và trở thành loài cá cảnh ở Hoa Kì. Cá được du nhập vào Việt Nam từ thập niên 60 và dần trở nên phổ biến trong giới chơi cá cảnh. Cá trưởng thành có chiều dài khoảng 40cm. Cá tai tượng da beo là loài cá có tính ăn động vật như cá nhỏ, trùng chỉ, giáp xác, và có thể ăn được thức ăn viên.
Cá hạn chế nuôi chung với loài cá khác vì tính dung hữ hay tấn công các loài cá khác, bể nuôi đơn giản không trồng cây thủy sinh vì cá hay đào bới phá hư cây, nên có nắp đậy vì cá hay bật nhảy. Cá nuôi thường không cần sục khí, cá sinh sản bằng hình thức đẻ trứng và bắt cặp khi giao phối. Dòng cá này phụ hợp với các bạn thích nuôi cá dữ, ăn thịt, cảm giác mạnh khi cho cá ăn.
Có thể bạn sẽ quan tâm:
Cá Hà Lan – Cá Mún
Cá có khá nhiều tên gọi nhưng thường được gọi là cá Hà Lan, Hột Lựu. Có tên khoa học là Xiphophorus spp, thuộc bộ Cyprinodontiformes (bộ cá sóc), họ cá khổng tước, có nguồn gốc từ Mexico và Trung Mỹ. Do được lai tạo rộng rãi nên cá rất phổ biến ở Việt Nam và dễ dàng tìm thấy ở mọi cửa hàng cá cảnh. Ngoài màu sắc đặc trưng là màu đỏ cam, chúng còn được lai tạo ra nhiều màu sắc sặc sỡ và bộ vây dài hơn. Hình dáng gần giống với cá Hoàng Kim nhưng ngắn hơn và có thân hình bầu bỉnh hơn.
Cá trưởng thành có chiều dài từ 6 -9 cm, dễ phân biệt giới tính thông qua kích thước, cá đực có kích thước nhỏ hơn cá cái. Tương tự như cá Guppy, cá Hà Lan sinh sản cực nhanh và thuộc loài cá đẻ con. Cá hiền được nuôi kết hợp với nhiều loài cá cảnh nhỏ khác, cá có thể sống mà không cần đến máy sủi oxy nếu được nuôi trong bể rộng, cá thường ăn rêu tảo và thức ăn viên. Cá rất thích hợp khi nuôi trong bể thủy sinh.
Cá Guppy
Cá Guppy – Cá 7 màu là một loài cá cảnh nhỏ nước ngọt phổ biến có mặt hầu hết ở mỗi quốc gia trên thế giới. Đây là loài cá cảnh dễ nuôi, sinh sản nhanh, nhiều màu sắc và đa dạng chủng loại.Cá có nguồn gốc từ Jamaica và được phát hiện vào năm 1886 bởi ông Robert John Lechmere Guppy, sau đó ông đã gửi loài cá này đến bảo tàng Anh để nhận dạng và được đặt tên là Girardinus guppii. Tuy một thời gian sau tên của nó đã được thay đổi thành Poecilia reticulata nhưng người ta vẫn quen gọi nó là Guppy để nhớ đến người đã tìm ra loại cá nhỏ nhắn xinh đẹp này.
Cá Guppy có nhiều chủng loại, đa dạng màu sắc và kiểu dáng đuôi, dễ nhận biết giới tính, cá đực dài từ 2.8-3.5cm có đuôi to, vây lưng có màu sắc đẹp, cá cái dài từ 4-6 cm thông thường chỉ có màu sắc ở đuôi. Cá có khả năng mang thai và sinh sản rất thanh, thời gian mang thai và sinh sản chỉ từ 22-30 ngày, sau khi được thụ tinh thì vùng gần hậu môn sẽ có màu sẫm gọi là đốm thai sẽ lớn dần lên và sẫm màu đi, cá Guppy cái có thể sinh sản từ 5-30 con cho mỗi lứa, cá con vừa sinh ra đã có thể biết bơi và ẩn nấp.
Loài cá này bản tính hiền lành có thể nuôi ghép với các loài cá cảnh khác hoặc nuôi theo đàn, nó bơi lội tung tăng ở mọi tầng nước thường được nuôi trong chậu, hồ cá nhỏ, hồ non bộ. Với số lượng ít thì loài cá này không cần phải chạy máy oxy, chỉ cần thay nước khi nước bị bẩn thôi. Cá thường ăn thức ăn viên nhỏ và lòng đỏ trứng rất dễ nuôi cho các bạn mới bắt đầu.
Cá Tứ Vân – Xecan
Cuối danh sách là cá Tứ Vân, đây là loài cá được tìm thấy ở nhiều nơi ở Châu Á có tên khoa học là Puntius tetrazona thuộc họ cá chép, cá được nhập nội vào thời gian thập niên 70, được nhân giống và trở nên phổ biến. Cá Tứ Vân có cơ thể dạng hình ovan, thường phân biệt bằng 4 sọc đứng trên nền cơ thể vàng nhưng do sự lai tạo của người nuôi thì màu sắc thân của cá cũng đa dạng hơn.
Cá có kích thước khoảng từ 4cm-10cm khi trưởng thành và phân biệt giớitính dựa vào kích thước và vây lưng, cá đực thường nhỏ hơn cá cái cùng lứa tuổi có mũi và vây lưng màu đỏ sáng, cá cái thì bụng tròn hơn và vây lưng đen. Vào khoảng từ 6-7 tuần tuổi thì cá bắt đầu sinh sản, cá đẻ trứng và thường đẻ trong các bụi cây thủy sinh. Cá Tứ Vân nhanh nhẹn, thường sống ở tầng nước giữa, thường được nuôi trong bể thủy sinh chung với những loài cá khác, nhưng do bản tính thích rỉa vây của những con cá khác vì vậy không nên nuôi chung với những loài cá có vây dài như cá Ông Tiên, Cá Vàng. Cá thường ăn thức ăn viên, côn trùng thủy sinh và rêu tảo. Cá sống khỏe mạnh rất phù hợp với người mới bắt đầu.
Cá Thanh Ngọc
Cá Thanh Ngọc hay còn gọi là cá bãi trầu, cá bảy trầu là một chi của cá sặc. Cá Thanh Ngọc là loài cá dễ nuôi bởi không cần cung cấp thêm oxi và phân bố rộng khắp các vùng Nam châu Á.
Cá Thanh Ngọc dài khoảng 4 – 7cm khi trưởng thành và có bản tính khá nhát nếu thả chung. Tuy nhiên khi được nuôi cách ly trong thời gian khoảng 1 tháng trở lên, bản tính bảo vệ lãnh thổ của chúng được phát triển, nên khi cho vào chung bể thì chúng có biểu hiện vờn nhau, các động tác nối đuôi lượn xoay vòng quanh nhau rồi phồng mang và quạt đuôi vào nhau. Theo các nhà khoa học thì vây ngực của chúng có khả năng phát ra âm thanh khi quẫy nước và đây là phương thức giao tiếp rất quan trọng giữa các cá thể của các loài này. Thức ăn của cá Thanh Ngọc là các loài động vật phiêu sinh, động vật giáp xác và ấu trùng côn trùng nên khá dễ nuôi với người mới tập.
Cá dĩa
Cá dĩa hay cá đĩa là một loài cá cảnh đẹp với thân hình tròn to như cái đĩa. Cá dĩa có vẻ đẹp thanh thoát thân hình mảnh mai yểu điệu mong manh và được người chơi cá phong cho danh hiệu là nữ hoàng của loài cá. Cá dĩa thường bơi thành từng đàn với dáng vẻ nhẹ nhàng ung dung làm cho người chơi cá có cảm giác thư thái và nhẹ nhàng xua đi mọi mệt mỏi nên rất được ưa chuộng trong giới nuôi cá cảnh.
Cá dĩa trưởng thành có kích thước từ 15 cm đến 20 cm, thân hình có dạng tròn như chiếc đĩa, rất dẹp, miệng nhỏ, mang nhỏ và sống hiền hòa theo bầy đàn. Cá đực có hình dáng to, đầu hơi gù, vây bụng xệ, dưới bụng vùng giáp vây lõm vào trông rất rõ, hoạt động hung hăng hơn cá cái. Cá cái thường nhỏ hơn cá đực, gai sinh dục lồi ra ngắn, chia 2 thùy nhọn và hơi cong về phía sau.
Thức ăn của cá dĩa thường là trùn đỏ, trùn chỉ, bo bo, lăng quăng hay tim gan bò băm nhuyễn. Cá dĩa không hề kén ăn nên vô cùng phù hợp với những người mới tập nuôi cá cảnh. Tùy vào từng dòng mà cá dĩa có những mức giá khác nhau và sự chênh lệch giá giữa các dòng cũng khá lớn.
Như vậy, 10 dòng cá mình vừa trình bày ở trên là các loại cá cảnh nước ngọt dễ nuôi phổ biến với những bạn mới bắt đầu nuôi cá cảnh. Mình chúc các bạn có những bể cả thật đẹp cho riêng mình để thư giãn sau những giờ học tập và làm việc mệt mỏi.
Có thể bạn sẽ quan tâm: